Nhằm giúp người nộp thuế (NNT) chấp hành tốt quy định của pháp luật về thuế, thực hiện nộp thuế vào Ngân sách nhà nước (NSNN) đầy đủ, đúng hạn, UBND xã thông tin về các quy định của Luật Quản lý thuế về thời hạn nộp thuế, xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, trình tự xử lý nợ thuế, các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh như sau:
1. Một số nội dung về thời hạn nộp thuế (Điều 55 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14)
- Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp thì tạm nộp theo quý, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau. Đối với dầu thô, thời hạn nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp theo lần xuất bán dầu thô là 35 ngày kể từ ngày xuất bán đối với dầu thô bán nội địa hoặc kể từ ngày thông quan hàng hóa theo quy định của pháp luật về hải quan đối với dầu thô xuất khẩu. Đối với khí thiên nhiên, thời hạn nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp theo tháng.
- Trường hợp cơ quan thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế. -
Đối với các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước từ đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, lệ phí trước bạ, lệ phí môn bài thì thời hạn nộp theo quy định của Chính phủ.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế, thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
2. Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế (Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14)
2.1. Các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp:
- Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế;
- Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện khai thiếu số tiền thuế phải nộp thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế phải nộp tăng thêm kể từ ngày kế tiếp ngày cuối cùng thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế có sai, sót hoặc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;
- Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện số tiền thuế được hoàn nhỏ hơn số tiền thuế đã hoàn thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế đã hoàn trả phải thu hồi kể từ ngày nhận được tiền hoàn trả từ ngân sách nhà nước;
- Trường hợp được nộp dần tiền thuế nợ quy định tại khoản 5 Điều 124 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14;
- Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế do hết thời hiệu xử phạt nhưng bị truy thu số tiền thuế thiếu quy định tại khoản 3 Điều 137 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14;
- Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 142 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14;
- Cơ quan, tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế chậm chuyển tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chậm chuyển theo quy định.
2.2. Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp được quy định như sau:
- Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;
- Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.
2.3. Người nộp thuế tự xác định số tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Trường hợp người nộp thuế có khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 60 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. 3. Người nộp thuế không nộp thuế đầy đủ, đúng hạn theo quy định thì bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; một số trường hợp cụ thể như sau (Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14):
- Người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.
3 - Người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế.
- Người nộp thuế có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.
- Người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt.
- Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
4. Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế (Điều 125 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14)
4.1. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế bao gồm:
a) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;
b) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;
c) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
d) Ngừng sử dụng hóa đơn;
đ) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật;
e) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;
g) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
4.2. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế được thực hiện như sau:
a) Đối với các biện pháp cưỡng chế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế, căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan quản lý thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp;
b) Đối với các biện pháp cưỡng chế quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế, trường hợp không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trước thì cơ quan quản lý thuế chuyển sang áp dụng biện pháp cưỡng chế sau;
c) Trường hợp quyết định cưỡng chế đối với một số biện pháp chưa hết hiệu lực nhưng không có hiệu quả mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin, điều kiện thì thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế.
5. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh (Điều 66 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14)
- Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
- Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh về cá nhân, người nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế.