Giới thiệu chung Xã
Ngày 24/04/2020

I/ Giới thiệu chung

Việt Hùng là một xã nằm ở phía Tây Bắc của huyện Vũ Thư, cách thị trấn Vũ Thư 8km. Phía Đông tiếp giáp xã Song Lãng, phía Tây giáp sông Hồng, phía Bắc giáp xã Xuân Hòa và Hiệp Hòa, phía Nam giáp xã Dũng Nghĩa.

Việt Hùng là một xã có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, địa hình của xã mang tính chất chung của một vùng đồng bằng nên tương đối bằng phẳng. Do quy luật bồi đắp, lắng đọng phù sa sông nên địa hình có hướng dốc chủ yếu từ Đông Bắc xuống Tây Nam, độ dốc nhỏ dưới 1%/km. Khu vực nằm gần ven đê sông Hồng có địa hình trũng, độ cao từ 0,6-1,2m. Có thể nói, địa hình của xã rất thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng, vật nuôi.

Về thủy văn, Việt Hùng có sông Hồng chảy qua là nguồn cung cấp nước đáng kể cho sản xuất của nhân dân trong xã. Ngoài ra, xã còn có mạng lưới các sông ngòi nhỏ và các ao, hồ, đầm đảm bảo nguồn bổ sung và dự trữ nước ngọt khi mực nước sông xuống thấp, đặc biệt là vào mùa khô hạn, thuận lợi cho việc thau chua rửa mặn phát triển các loại cây trồng, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Nguồn tài nguyên chính của xã là đất đai với tổng diện tích đất tự nhiên là 916,34ha. Trong đó, đất nông nghiệp có 617,38ha; đất phi nông nghiệp là 336,59ha; đất chưa sử dụng là 7,37ha.

Như vậy vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Việt Hùng có những thuận lợi cơ bản để phát triển kinh tế. Về giao thông, đường thủy có sông Hồng chảy qua dài 4km, đường bộ có tuyến đường huyện 220A,220E tạo thành thế mạnh cho xã trao đổi hàng hóa cũng như phát triển thương mại- dịch vụ và tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư của các tổ chức vào sản xuất, kinh doanh.
II/ Lịch sử hình thành

Mảnh đất Việt Hùng có cư dân đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp từ khi nào, đến nay vẫn chưa có lời giải đáp chính thức. Tuy nhiên, tìm hiểu phả hệ của các dòng họ, các truyền thuyết, chuyện kể dân gian, có thể ước lượng rằng: cách đay khoảng trên 2000 năm, đã có người đến đây sinh sống. Ban đầu là cư dân ở Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương tràn san; có người từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An di cư đến khai phá vùng đầm lầy sú vẹt ven bờ biển Đông này.

Trong quá trình khai hoang lập làng, canh tác lúa nước, nhân dân Việt Hùng qua các thế hệ đã đoàn kết với nhau vượt qua khó khăn, thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và giặc dã cùng xây dựng làng xóm ngày càng trù phú.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, Việt Hùng đã nhiều lần thay đổi địa giới. Vào thời Trần, là một vùng đất thuộc huyện Bổng Điền, lộ Kiến Xương. Vào thời Minh(1407-1427) các thôn thuộc xã Việt Hùng ngày nay nằm trong huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương thuộc Trấn Sơn Nam Hạ. Theo tài liệu nghiên cứu của Viện Hán Nôm, vào đầu thế kỷ XIX(thời Nguyễn) huyện Thư Trì có 67 xã, thôn, phường trong đó có vùng đất Việt Hùng.

Đến thời kỳ thuộc Pháp, các thôn của xã Việt Hùng hiện nay thuộc tổng Bổng Điền. Đến đầu thế kỷ XX, xã Việt Hùng(ngày nay) gồm có 5 làng và bãi Tụ-Thành( sau là hợp tác xã Hồng Hà). Sau Cách mạng tháng Tám, đến tháng 8-1947, thực hiện chỉ thị của cấp trên về vịc bãi bỏ đơn vị cấp tổng, thành lập xã, đổi phủ thành huyện, thị xã Việt Hùng chính thức được thành lập với 5 thôn( Phú Chử, Lộc Điền,Mỹ Lộc,Mỹ Bổng, Hương Điền). Sau năm 1954, cắt các thôn Phú Chử, Lộc Điền sang xã Thanh Phú.

Thực hiện Quyết định số 1507/TTCP, ngày 18-12-1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới hành chính của tỉnh Thái Bình, ở huyện Vũ Thư đã có những sự điều chỉnh và hợp nhất, tronng đó cắt thôn Phú Chử, Lộc Điền của xã Thanh Phú và xóm Hồng Hà(xã Tân Lập) sáp nhập vào xã Việt Hùng. Lúc này, xã Việt Hùng gồm có các thôn: Phú Chử, Lộc Điền, Mỹ Lộc, Hương Điền, Mỹ Bổng và Hồng Hà.

Đến năm 1990, thực hiện chủ trương của cấp trên về chuyển đổi mô hình quản lý xóm, xã được chuyển thành 15 xóm. Đến năm 1997, cắt xóm Hồng Hà sáp nhập vào xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc. Đến năm 2003, xã Việt Hùng được tổ chức thành 7 thôn: Phú Chử, Lộc Điền, Mỹ Lộc 1, Mỹ Lộc 2, Mỹ Lộc 3, Hương Điền, Mỹ Bổng giữ nguyên cho đến ngày nay.